Phú Yên: Gấp rút thu hoạch tôm tránh mưa bão

Nông dân thu hoạch tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu. Ảnh: LÊ TRÂM
Nông dân thu hoạch tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu. Ảnh: LÊ TRÂM

Những ngày này, người nuôi thủy sản ở các địa phương chạy nước rút thu hoạch tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng, tôm hùm để tránh mưa bão. Năm nay, sản lượng tôm tăng cao, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các thương lái hạn chế tiếp cận thu mua.

Sản lượng tăng

Tại “thủ phủ” tôm hùm TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), người dân đang tập trung thu hoạch tôm nuôi ở lồng bè để tránh mưa bão. Vụ tôm năm nay, gia đình anh Bùi Văn Tùng ở phường Xuân Yên nuôi 20 lồng tôm hùm với 4.000 con trên vịnh Xuân Đài, khu vực khu phố Phước Lý. Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, vùng nuôi ít bị ảnh hưởng ô nhiễm do vậy tôm lớn nhanh, tỉ lệ hao hụt thấp. Trung bình mỗi lồng, anh Tùng thả nuôi 200 con tôm hùm xanh, nếu các năm trước sau thời gian nuôi, tôm chết hao hụt, sản lượng tôm thành phẩm chỉ đạt hơn 30kg/lồng thì năm nay tăng lên 35kg/lồng.

Tại xã Xuân Phương, gia đình anh Phạm Minh Hùng đang thu hoạch tôm, cân bán cho thương lái. Anh Hùng cho hay, gia đình nuôi 30 lồng tôm hùm trên vịnh Xuân Đài khu vực Vũng Chào, tôm phát triển tốt hơn các năm, sản lượng tăng cao. Năm nay giá tôm hùm bông khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 700.000 đồng/kg. Gia đình tôi chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Giá bán tôm hùm xanh đã nhích lên so với mọi năm, cao hơn các vụ trước trên 100.000 đồng/kg. Vụ tôm năm nay, với giá 700.000 đồng/kg, thu hoạch xong trừ chi phí, gia đình tôi thu trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên tôm khó bán vì người mua dè chừng, ngóng tin dịch bệnh COVID-19 trong khâu vận chuyển đường dài.

Xã Xuân Thịnh có gần 1.000 hộ nuôi tôm hùm tại hai khu vực vịnh Hòa và vịnh Xuân Đài. Vụ tôm năm nay, người dân địa phương thả nuôi 15.600 lồng, giảm 5.800 lồng so với vụ trước. Theo ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, số lượng lồng tôm nuôi vụ này giảm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn tôm giống khan hiếm, người dân thả tôm giống ít hơn. Tuy nhiên, bù lại tôm đạt sản lượng cao, giá tăng 100.000 đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Đến nay, xã đã thu hoạch khoảng 170 tấn, đạt 37% tổng số lồng đến kỳ thu hoạch.

Theo thống kê của UBND TX Sông Cầu, toàn thị xã có 77.994 lồng tôm hùm, chủ yếu loại tôm hùm xanh. Thời điểm này là vụ thu hoạch tôm chính nên thương lái từ nhiều địa phương khác đến TX Sông Cầu để thu mua. “Để giữ an toàn vùng nuôi, ngoài việc tuyên truyền cho chủ hộ, lao động thu hoạch tôm chấp hành các quy định trong phòng chống dịch, địa phương cũng đã bố trí thời gian cho các thương lái đưa xe đến vùng nuôi thu mua tôm một cách hợp lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu nói.

Tôm thẻ chân trắng giá thấp, khó tiêu thụ

Tại vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa), nông dân thu hoạch tôm nuôi để tránh mưa to ập xuống, tôm sốc nước ngọt. Ông Bùi Văn Tính, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở đây cho hay: Vùng này có nước ra nước vô (thủy triều lên xuống), thay đổi dòng chảy nên ít ô nhiễm, tôm có bệnh cũng dễ lướt qua. Giá bán tôm thẻ chân trắng hiện nay từ 85.000-90.000 đồng/kg, loại 100 con/kg. So với năm trước, năm nay, giá tôm giảm, sức mua chậm. “Mấy năm trước giá bán 120.000 đồng/kg, tôi a lô một tiếng là xe đông lạnh loại 2,5 tấn đứng chờ trên bờ, nay năn nỉ mà cũng không mấy người đến, do dịch bệnh chứ không phải thương lái làm dày. Cũng do ảnh hưởng dịch bệnh, có người lo ngại không thả nuôi nên vùng này diện tích nuôi tôm giảm”, ông Tính nói.

Là thương lái nhiều năm thu mua tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), ông Trần Văn Trung chia sẻ: So với các năm thì nay việc đi lại khó khăn hơn, từ khâu vận chuyển thức ăn công nghiệp cho tôm đến khâu tiêu thụ. Với đặc thù bốc dỡ thủy sản bằng phương pháp thủ công, khay chứa tôm chuyển từ tay người này sang tay người khác, không thể đảm bảo yêu cầu giữ khoảng cách an toàn nên nhiều người ngại, kéo theo nhiều yếu tố nữa làm cho nhiều người không mặn mà mua tôm nên khâu tiêu thụ chậm.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, vùng hạ lưu sông Bàn Thạch thả nuôi 899ha tôm sú, thẻ chân trắng, giảm 2,18% so với cùng kỳ. Đến nay nông dân thu hoạch 724ha, sản lượng đạt 3.088 tấn, tăng 2,25% so với cùng kỳ.

Thống kê của Sở NN-PTNT, sản lượng tôm hùm thương phẩm thu hoạch năm 2021 của tỉnh dự kiến đạt khoảng 1.370 tấn, đến nay đã thu hoạch được 700 tấn. “Đối với tôm thẻ chân trắng nuôi ao đìa, sở đã yêu cầu các địa phương ven biển tạo điều kiện cho người nuôi và doanh nghiệp thu hoạch, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi trên địa bàn thuận lợi trước mùa mưa bão năm 2021, tránh thiệt hại. Trong thu hoạch tôm, mỗi người dân phải tuân thủ đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh để vùng nuôi trồng được đảm bảo an toàn, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Đối với tôm hùm, hoạt động mua bán tiêu thụ bị đình trệ do khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn khi qua các tỉnh và qua cửa khẩu. Mỗi tỉnh có cơ chế, phương án phòng chống dịch khác nhau, vì thế các chủ nậu hạn chế thu mua hoặc mua giá thấp để bù chi phí, hao hụt trong quá trình vận chuyển, ảnh hưởng đến người nuôi. Sở kiến nghị Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo các địa phương thống nhất các biện pháp kiểm tra, kiểm soát xe vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm thủy sản, đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu thụ thủy sản thông suốt, giá cả ổn định.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn : vietlinh.vn

Gọi Ngay
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon