Triển vọng từ mô hình nuôi cá lồng nước lợ

Huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) có hơn 500 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ, trong đó hơn 60% là diện tích nuôi tôm vùng triều. Ở vùng nuôi này, môi trường bị ô nhiễm nặng, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, hiệu quả nuôi thấp. Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn đối tượng nuôi mới phù hợp, góp phần đa dạng các loài thủy sản nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ đã triển khai mô hình nuôi tôm, cua, cá kết hợp ở xã Mỹ Cát, nuôi cá vược ở xã Mỹ Thành, Mỹ Cát, nuôi cá chình ở xã Mỹ Thắng. Và mới đây là mô hình nuôi cá lồng trong môi trường nước lợ ở xã Mỹ Đức.

Mô hình nuôi cá lồng nước lợ ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. Ảnh: B.ĐÔNG
Mô hình nuôi cá lồng nước lợ ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. Ảnh: B.ĐÔNG

Mô hình nuôi cá lồng nước lợ được triển khai tại ao nuôi của hộ ông Phan Văn Cu ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức. Đối tượng được chọn nuôi là cá hồng, với quy mô 3 lồng, mỗi lồng 500 con giống. Lồng nuôi được làm bằng tre, có kích thước 1,6 x 6 x 6 (m). Trong quá trình thực hiện, Trung tâm tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hộ nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, cá phát triển tốt, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt 95%. Đến thời điểm này, cá nuôi đã được hơn 6 tháng, trọng lượng bình quân khoảng 0,4 – 0,7 kg/con. Ước tính nếu giữ được mức độ phát triển như vậy, sau 12 tháng nuôi cá sẽ đạt trọng lượng bình quân 0,8 – 1,2 kg/con.

Ông Nguyễn Ngọc Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Đức, cho biết, điểm triển khai mô hình là vùng trũng, thường ngập lũ, hiệu quả nuôi tôm thấp do dịch bệnh và chi phí đầu tư ao nuôi cao. Nếu mô hình thành công, người dân địa phương sẽ có thêm đối tượng nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế khá, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

BÙI ĐÔNG

Nguồn: vietlinh.vn

Gọi Ngay
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon